Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu nuôi 3.890 cá lồng bè với sản lượng 3.535 tấn; nuôi nhuyễn thể 23.950ha, sản lượng 74.465 tấn các loại hến biển, sò huyết, vẹm xanh, nghêu lụa; nuôi ngọc trai 100ha….
Bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển hợp lý, an toàn, bền vững, hiệu quả
Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu nuôi 3.890 cá lồng bè với sản lượng 3.535 tấn; nuôi nhuyễn thể 23.950ha, sản lượng 74.465 tấn các loại hến biển, sò huyết, vẹm xanh, nghêu lụa; nuôi ngọc trai 100ha….
Thủy hải sản khai thác được trên vùng biển Tây Nam được vận chuyển xuống bến chợ Dương Đông, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh đầu tư phát triển mạnh nuôi biển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.
Trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu sẽ nuôi 3.890 cá lồng bè với sản lượng 3.535 tấn; nuôi nhuyễn thể 23.950ha, sản lượng 74.465 tấn các loại hến biển, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa; nuôi ngọc trai 100ha, đạt 70.000 viên ngọc.
Ngành thủy sản tỉnh bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển hợp lý, nuôi cá an toàn, bền vững, hiệu quả. Cụ thể là các xã Lại Sơn (Kiên Hải), Tiên Hải ( Hà Tiên), Gành Dầu (Phú Quốc) hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển, có ít nhất 50% hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã đảo được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định. Các xã Sơn Hải (Kiên Lương), Thổ Châu (Phú Quốc), An Sơn và Nam Du (Kiên Hải) xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết tỉnh hỗ trợ người dân nuôi biển tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để khôi phục sản xuất sau thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19. Tỉnh hỗ trợ người dân chuyển đổi từ hình thức nuôi cá lồng bè truyền thống, gần bờ chuyển sang nuôi biển công nghiệp, xa bờ, tạo giá trị sản xuất lớn.
[Giá trị sản xuất thủy sản của Kiên Giang tăng gần 4% so với năm ngoái]
Ngành thủy sản tập huấn kỹ thuật nuôi, nhất là nuôi biển công nghiệp, triển khai các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, liên kết chuỗi sản xuất, sử dụng thức ăn công nghiệp dần thay thế thức ăn cá tạp, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững.
Tỉnh ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu mới, kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực… sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè cá bằng năng lượng Mặt Trời, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi biển giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường…
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh quản lý, vận hành tốt các trạm quan trắc môi trường nước tự động tại các vùng nuôi biển tập trung để cung cấp dữ liệu chất lượng nước, cảnh báo sớm tình trạng ô nhiễm, bất thường của môi trường nước vùng nuôi; đồng thời dự báo diễn biến của môi trường nước để có biện pháp ứng phó kịp thời, hữu hiệu.
Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản phục vụ nuôi biển, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp phòng trị hiệu quả một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và những bệnh thường xảy ra gây hại cá như hoại tử thần kinh-VNN, bệnh mù mắt trên cá bóp, bệnh lở loét trên cá mú… Mặt khác, các ngành chuyên môn phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, mùa vụ xảy ra các hiện tượng “sinh vật lạ,” “tảo nở hoa” gây hại cho cá nuôi và khuyến cáo, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp phòng tránh.
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi biển, lồng ghép các nguồn lực nâng cao năng lực hoạt động cho tổ hợp tác, hợp tác xã về kinh doanh, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu tập thể cá biển./.
Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)